Ý kiến của công dân về giải pháp giải quyết về ùn tắc giao thông Thành phố Hà Nội (09:32 09/02/2017)


HNP – Ngày 08/02/2017, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội nhận được ý kiến của công dân Hoàng Ngọc Thịnh (địa chỉ email: thinhehn@gmail.com) về giải pháp giải quyết về ùn tắc giao thông Thành phố Hà Nội với nội dung như sau:


Giải pháp 1:

Để giải được bài toán chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội không thể chỉ áp dụng một giải pháp về xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông là đủ mà phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể nhiều mặt với những góc nhìn nhiều chiều.

Xin không giám trình bày nhiều, chỉ đề nghị xem xét hai giải pháp (trong nhiều giải pháp) hoàn toàn có đủ khả năng khả thi thực hiện được ngay và sẽ đem lại hiệu quả. Đó là:

1. Tổ chức quản lý trên hệ thống giao thông hiện nay;

2. Xây dựng đường bộ cho xe buýt trên cao (gọi tắt là “buýt trên cao”).

Cụ thể như sau:

 

I/ Tổ chức quản lý trên hệ thống giao thông hiện nay

1. Nghiên cứu khảo sát lại kỹ để cài đặt thời gian tín hiệu giao thông đèn xanh, đèn đỏ thật hợp lý. Xe dừng đèn đỏ càng lâu càng làm lãng phí công năng diện tích mặt đường. Mật độ xe dừng trước đèn đỏ thì quá cao còn phần đường sau đèn đỏ lại có khoảng trống lớn, như vậy chính yếu tố chủ quan này gây nên ùn ứ cục bộ mà không tận dụng được công năng diện tích mặt đường.

2. Cần cho phép các xe rẽ phải ở nhiều ngả rẽ hơn nữa đối với những nơi ít người đi bộ qua đường để giải tỏa ùn ứ. Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình đỗ chắn làn rẽ (chỉ cần giữ phương tiện tại chỗ trên hè khoảng 01 giờ mà chưa cần phạt cũng có thể răn đe được).

3. Tạo thêm nghiều đường 1 chiều, và tại các ngả 3 đường 1 chiều cần vẽ vạch phân làn, hợp làn, đồng thời bỏ bớt đèn đỏ dừng xe đối với làn chạy thẳng để giải tỏa ùn ứ.

4. Cần triệt để phân làn đường ô tô riêng, xe máy riêng với độ rộng hẹp phù hợp mật độ xe trên từng đoạn đường. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền giáo dục các chủ phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành còn cần phải kiểm soát và xử lý thật chặt. Xe máy thường hay lấn làn. Còn ô tô cũng rất nhiều loại ngang nhiên lấn làn, đặc biệt là các xe tacxy. Tại nhiều nút đèn đỏ xe ô tô thường xuyên chen lấn đua tranh làn cùng xe máy dẫn đến va chạm gây ách tắc.

Kiến nghị giải pháp xử lý nhanh những vi phạm lấn làn, đặc biệt có thể dễ dàng thực hiện ngay tại những nút giao nghẽn, những giờ cao điểm, như sau:

- Đối với xe máy sẽ giữ xe tại chỗ trên vỉa hè khoảng 01 giờ mới cho đi (người đó bị hao phí thời gian mất 01 giờ chắc không khỏi ân hận).

- Đối với ô tô cần áp dụng hình thức phạt nguội kết hợp camera ghi hình, chụp ảnh, tức là dán phiếu phạt lên kinh xe để chủ phương tiện nộp phạt theo quy định (không cần lập biên bản). Phương pháp này sẽ không gây cản trở giao thông bởi không cần điều xe ra lề đường, không gây tranh cãi bởi hiện trường lấn làn là rất rõ ràng, không phát sinh tiêu cực và hoàn toàn không mất thời gian, chỉ cần quy định mẫu phiếu phạt đúng luật thì lực lượng tình nguyên viên cũng có thể thực hiện được việc dán phiếu phạt này.

 

II/ Xây dựng đường bộ cho xe buýt trên cao (“buýt trên cao”).

Với hệ thống đường sắt trên cao chỉ nên tiếp tục xây dựng thêm một vài tuyến xét thấy thật cần thiết còn lại đề nghị thay đổi quy hoạch, thiết kế và kinh phí để xây dựng thành đường bộ cho xe buýt trên cao (gọi tắt là “buýt trên cao”), gắn kết thành hệ thống buýt trên cao trong toàn thành phố.

Việc bán vé xe buýt nên duy trì như hiện nay không nên tổ chức quầy bán vé riêng gây lãng phí, mấy diện tích mặt đường, làm phức tạp thêm và phiền hà cho khách. Trên mỗi xe buýt luôn luôn cần có một người phục vụ rất nhiều việc, ngoài việc bán vé, soát vé còn phải điều hành, hướng dẫn, giúp đỡ khách, xử lý những sự cố có thể xảy ra trên xe (như mất trật tự, hỏa hoạn…).

 

Chi tiết về ý tưởng xây dựng đường buýt trên cao.

 

a) Những ưu điểm của đường bộ cho xe buýt trên cao:

- Các loại kinh phí về thiết kế, về thi công xây dựng, về đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ, về bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa và chế độ quản lý… rẻ và đơn giản hơn nhiều so với đường sắt trên cao. Nếu dùng vốn của xây dựng đường sắt trên cao sẽ thừa sức cấp vốn cho xây dựng đường buýt trên cao với số lượng km đường nhiều hơn.

- Hoàn toàn không cần thuê nước ngoài. Các Công ty Xây dựng trong nước đủ khả năng thực hiện và đó cũng là cơ hội lớn về việc làm cho người Việt Nam.

- Dễ dàng áp dụng công nghệ lắp ghép môđun cấu kiện gia công đúc sẵn. Thời gian thi công ngắn, hạn chế mức độ cản trở giao thông. Có thể chủ động về thời điểm thi công cũng như dùng rào chắn cơ động, đêm làm việc ngày tháo ra.

- Có thể xây dựng sâu vào nội thành trên chính các con đường chật hẹp mà không cần giải phóng mặt bằng.

- Đặc điểm về vận chuyển xe buýt là: dễ dàng chủ động vạch tuyến. Tuyến chạy có thể cố định, cần thiết lắm mới phải thay đổi do đó có thể xây dựng đường buýt trên cao không cần có hoặc rất ít nút giao, ngả rẽ, phụ thuộc rất ít vào kết cấu “xương cá” hay “bàn cờ” của hệ thống đường mặt đất.

- Đường dùng cho xe bánh lốp, ở những đoạn rẽ, đoạn lượn dễ tạo các bán kính cong hơn so với đường có ray sắt.

- Tự trọng và độ chịu tải của đường chuyên giành riêng cho buýt trên cao nhỏ hơn các loại đường khác nên công nghệ làm trụ, móng không quá phức tạp.

- Vì chỉ giành riêng cho loại hình xe buýt do một chuyên ngành độc quyền quản lý nên rất dễ kiểm soát về an toàn giao thông, loại bỏ hoàn toàn các loại xe buýt “dù” trái phép.

- Do chỉ có đường lên dành riêng cho buýt nên các loại xe khác không thể lên chiếm đường được. Các xe buýt có thể lưu hành và dừng nghỉ thường xuyên ở trên cao mà không cần xuống mặt đất trừ khi phải vào xưởng bảo dưỡng hay thay thế.

- Buýt trên cao có thể sẽ không bao giờ ùn tắc (trừ khi sự cố hỏng đường), lại di chuyển nhanh chóng do đó chắc chắn thu hút được lượng hành khách lớn. Xét về tâm lý mà nói nếu đi xe bút thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, tránh được mưa nắng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông thì giá vé có cao một chút cũng “sướng” hơn nhiều so với việc dùng xe cá nhân với bao “nỗi khổ cực”.

- Với đường xe buýt trên cao, trước mắt dùng xe buýt chạy xăng dầu, trong quá trình vận hành, khi có điều kiện là dễ dàng nâng cấp lên thành xe buýt chạy điện với loại xe nhỏ hơn (24¸42 chỗ ngồi) để tăng đầu xe, tăng tần suất đón trả khách, giảm ngắn thời gian chờ đợi của khách, giảm lượng hành khách chen lấn trên mỗi xe.

 

b) Những nhược điểm của đường bộ cho xe buýt trên cao:

- Vì đường buýt trên cao có ít nút giao, ít nút rẽ, lại không thể xây dựng trên mọi con phố để có một hệ thống liên hoàn, có nơi vẫn phải dùng buýt mặt đường, hành khách có thể phải đi bộ một đoạn để chuyển bến do đó nhiều vị trí phải xây dựng cầu vượt đi bộ qua đường gắn liền bến buýt trên cao.

- Đường buýt trên cao có thể phá vỡ cảnh quan tuyến phố cho nên chỉ chọn xây dựng ở những tuyến phố không ảnh hưởng nhiều. Cần kết hợp nhiều hình thức trang trí làm đẹp thêm cảnh quan, gây thiện cảm. (điểm này cần phải cân nhắc kỹ và tuyên truyền mạnh mẽ để người dân cùng đồng thuận).

- Tiếng ồn và bụi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến dân cư ở các tầng cao ngang tầm tuyến buýt nên cần có biện pháp khắc phục.

- “Buýt trên cao” là một nét mới lạ, sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều cho nên cần phải tổ chức một hội đồng tham vấn khoa học cùng với sự tuyên truyền lấy ý kiến người dân.

 

c) Kiểu kết cấu. (có hình vẽ phác thảo đính kèm theo)

- Với loại đường rộng có phân cách giữa – Như các đường liên huyện, các đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, đường Giải phóng. Ngô Gia Tự. Nếu khảo sát tốt vẫn có thể áp dụng thêm nhiều tuyến phố hai làn xe trong nội thành;

- Với những đoạn đường mà một phía không vướng các công trình khác – Như các đoạn đường đê sông Hồng:

Dùng cột đúp đỡ giữa. Mặt đường vừa đủ cho 2 làm xe buýt. Tại các bến đỗ kết hợp với cầu vượt đi bộ.

- Với những đường phố nhỏ hẹp:

Dùng hai cột đỡ hai bên hè phố. Mặt đường vừa đủ cho 2 làm xe buýt. Tại các bến đỗ kết hợp với cầu vượt đi bộ.

- Tại vị trí đã có cầu vượt ô tô, hai làn xe buýt sẽ chạy tách ra đi áp hai bên cầu vượt cũ.

 

d) Thi công xây lắp.

Áp dụng công nghệ lắp ghép modun cấu kiện gia công đúc sẵn:

- Thanh dầm kiểu chữ I tăng mức chịu lực uốn.

- Mặt bằng tấm đan đúc sẵn, lát theo chiều ngang, giảm kích thức, dễ vận chuyển.

- Cột trụ kiểu ly tâm đúc tại cơ sở đúc bê tông ly tâm.

- Móng cột đúc lỗ sẵn, có thể đúc trước hàng loạt dọc tuyến. Móng này không cần ghép cotpha để có độ lèn chặt bê tông với thành hố đất. Khi dựng trụ chỉ cắm cột trụ vào lỗ và chèn bê tông tươi. Không nên dùng kiểu cấy ghép bằng bu lông dễ đứt.

- Dưới mặt đất chủ yếu là đúc móng và dựng cột. Công việc này tại mỗi vị trí chỉ chiếm ít diện tích mặt bẳng, thời gian hoàn thành một vị trí là rất ngắn, khối lượng thiết bị, vật tư, rào chắn không nhiều nên sau mỗi đêm làm việc là có thể thu dọn hết thiết bị, vật tư, rào chắn trả lại mặt đường cho giao thông hoạt động ban ngày.

- Lắp ghép hệ thống trên cao thực hiện theo kiểu cuốn chiếu để tận dụng mặt bẳng trên cao.

 

Vậy kính mong các Cơ quan liên quan đến Giao thông đô thị Thành phố Hà Nội quan tâm đến vấn đề nêu trên!

                                       

Giải pháp 2: Giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội

 

Hình vẽ phác thảo mô hình đường buýt trên cao.

 

- Với loại đường rộng có phân cách giữa

Như các đường liên huyện, các đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, đường Giải phóng. Ngô Gia Tự. Nếu khảo sát tốt vẫn có thể áp dụng thêm nhiều tuyến phố hai làn xe trong nội thành:

 

 

 

 

- Với những đoạn đường mà một phía không vướng các công trình gì
Như các đoạn đường đê sông Hồng:

- Với những đường phố nhỏ hẹp:

- Tại vị trí đã có cầu vượt ô tô:
Hai làn xe buýt sẽ chạy tách ra đi áp hai bên cầu vượt cũ.

Hình vẽ mô phỏng cột ly tâm và hố móng đường buýt trên cao.
 

- Cột trụ kiểu ly tâm đúc tại cơ sở đúc bê tông ly tâm.
- Móng cột đúc lỗ sẵn, có thể đúc trước hàng loạt dọc tuyến. Móng này không cần ghép cotpha để có độ lèn chặt bê tông với thành hố đất. Khi dựng trụ chỉ cắm cột trụ vào lỗ và chèn bê tông tươi. Không nên dùng kiểu cấy ghép bằng bu lông dễ đứt.

 

Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của ông và đã chuyển đến cơ quan chuyên môn.
Trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của ông!


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật